Ngay sau đây sẽ là những tin tức đáng chú ý về thị trường xuất nhập khẩu từ ngày 10 – 16/11/2023:
1. Cảng San Diego Mỹ mong muốn hợp tác với Cảng Đà Nẵng
Ngày 10/11, ông Joel Valenzuela – Giám đốc Hàng hải Cảng San Diego (Mỹ) đã dẫn đầu phái đoàn Ban điều hành cảng này đến thăm, làm việc và bày tỏ mong muốn kết nối hợp tác với Cảng Đà Nẵng.
Tại buổi tiếp đón, ông Lê Quảng Đức – Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của Cảng Đà Nẵng, hiện là Cảng biển container lớn nhất miền Trung, sở hữu gần 1.700m cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 Teus và tàu khách đến 170.000 GRT, cùng với các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại
Ông Joel Valenzuela – Giám đốc Hàng hải Cảng San Diego cũng cho biết San Diego là cảng lớn thứ tư trong số 11 cảng ở California, giám sát 2 bến hàng hóa, 2 bến tàu du lịch, 22 công viên công cộng, Sở Cảnh sát cảng và hợp đồng cho thuê của hàng trăm doanh nghiệp thuê, thuê lại quanh vịnh San Diego.
Cảng cũng quản lý danh mục đầu tư đa dạng để tạo ra doanh thu hỗ trợ các tiện ích và dịch vụ công cộng quan trọng.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ của nhau để có thể kết nối cơ hội hợp tác và ký kết hợp đồng trong tương lai.
Cụ thể, Cảng San Diego mong muốn kết nối với các đối tác của Cảng Đà Nẵng, nhất là các đơn vị vận chuyển sắt thép với khối lượng lớn. Hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và vận hành cảng.
2. Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đạt 1 triệu TEU trong năm 2023
Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) vừa tổ chức lễ đón TEU (container tiêu chuẩn 20 feet) thứ 1 triệu thông qua trong năm 2023.
Số lượng TEU thứ 1 triệu được vận chuyển trên tàu YM Truth của hãng tàu Yang Ming.
Từ 5/2018 đến nay, cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đã đang tiếp nhận 15 tuyến dịch vụ hàng tuần, trong đó có 7 tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương đi trực tiếp tới Hoa Kỳ, 3 tuyến dịch vụ đi Ấn Độ và các tuyến dịch vụ nội Á khác.
Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động nhưng cảng TC-HICT đã 3 lần phá vỡ các kỷ lục về khai thác trước đó, cụ thể:
- Tháng 5/2023 đạt kỷ lục về tiếp nhận với 62 chuyến tàu ra vào cảng;
- Tháng 7/2023 đạt kỷ lục về năng suất làm hàng với 126 moves/giờ, vượt năng suất bình quân 120 moves/giờ;
- Tháng 10/2023, sản lượng thông qua cảng đạt 144,200 TEU, vượt công suất thiết kế, tăng 46% so với kế hoạch dự kiến và là sản lượng cao nhất trong 1 tháng kể từ khi đi vào hoạt động.
Thông qua sự kiện đón TEU thứ 1 triệu trong năm 2023, TC-HICT lại một lần nữa khẳng định được vị thế khi là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng hàng đầu tại thành phố Hải Phòng hiện nay và trong suốt 5 năm đã qua.
3. Việt Nam lần đầu xuất khẩu cơm
Sau một thời gian nghiên cứu sản xuất, tăng cường quảng bá và kết nối tiêu thụ, lô cơm thành phẩm đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu đi châu Âu.
Cơm xuất khẩu là dạng cơm chay được nấu từ gạo lứt kết hợp các đặc sản rau quả tại tỉnh Đồng Tháp do ông Thái Thanh Bình nghiên cứu, sản xuất. Điểm đặc biệt là sản phẩm không dùng chất bảo quản, không phụ gia, không chất tẩy, có ích cho sức khỏe người dùng nên hiện không đủ đến bán.
Để sản phẩm cơm chay chinh phục thị trường Anh, sản phẩm phải đầu tư bài bản về nhãn mác, đóng gói, đặc biệt đáp ứng các tiêu chí về chất lượng.
Hiện cơ sở sản xuất đang đẩy nhanh chế biến 7.000 sản phẩm cơm chay dạng khay để kịp giao cho đối tác tại Anh từ nay đến cuối năm.
Trước đó, đơn vị cũng đã xuất khẩu thử nghiệm được 1.200 sản phẩm cơm gạo lứt hạt sen dạng đóng lon sang thị trường châu Âu với giá bán khá tốt. Việc nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu đang là giải pháp giúp nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
4. Lý do tôm hùm bông Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ách tắc?
Liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc từ tháng 8 trở lại đây, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết không phải do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm hay thủ tục hải quan mà do nguyên nhân khác.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, việc xuất khẩu tôm hùm bông vào Trung Quốc đang gặp vướng mắc liên quan đến bảo vệ động vật quý hiếm và các thủ tục nuôi trồng. Để nhập khẩu tôm hùm bông, cần phải chứng minh quá trình nuôi trồng từ con giống đáp ứng yêu cầu bảo vệ động vật nguy cấp.
Cụ thể, vào năm 2021, Trung Quốc đã sửa đổi danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp, trong đó tôm hùm bông được đưa vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2. Điều này có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Tháng 5/2023, phía Trung Quốc tiếp tục sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã, cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh và buôn bán tôm hùm bông cùng với các loài khác trong Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ
Theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, việc xuất khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp phải một số quy định nghiêm ngặt. Dưới đây là một số điểm quan trọng:
Tôm hùm bông khai thác tự nhiên:
- Không được đánh bắt trực tiếp từ biển.
- Phải có minh chứng rõ ràng về quá trình nuôi.
- Không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2).
Thủ tục nhập khẩu:
- Nhà nhập khẩu Trung Quốc phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
- Thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây.
Cơ sở bao gói và cơ sở nuôi tôm hùm:
- Các cơ sở xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm.
- Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật sẽ gửi biểu mẫu đăng ký mới cho phía Việt Nam để tiến hành rà soát và đăng ký.
Kiểm tra và công bố:
- Phía Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến và/hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi.
- Danh sách các cơ sở bao gói và cơ sở nuôi được phép xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được công bố trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trung Quốc đề xuất hai bên nhanh chóng xem xét và ký kết Nghị định thư về kiểm soát thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước tình hình này, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường đề xuất tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc để cập nhật và thông báo cho các cơ sở bao gói và cơ sở nuôi tôm hùm bông về quy định và biểu mẫu đăng ký của Trung Quốc đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này;
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Cục Thủy sản, Cục Thú y tham mưu việc xây dựng, góp ý, trình cấp thẩm quyền ký kết Nghị định thư về kiểm soát thủy sản sống khai thác tự nhiên của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi nhận được đề nghị chính thức từ Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật Trung Quốc.
5. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu quế đứng đầu thế giới
Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới với diện tích khoảng 180.000 ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ…
Tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu 74.744 tấn quế với giá trị 220,3 triệu USD. Thị trường nhập khẩu chính quế Việt Nam là Ấn Độ, chiếm 43,9% thị phần; tiếp đến là Mỹ, Bangladesh…
Tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế, nhưng Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường.
Chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng quế Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với năng suất quế thế giới.
6. Bắt giữ xe đầu kéo chở nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại Phú Yên
Ngày 15/11/2023 tại quốc lộ 1A, Cục Quản lý thị trưởng Phú Yên phối hợp phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám 1 phương tiện xe ô tô đầu kéo.
Qua kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 2 tấn bột uống tăng lực hiệu ExtraJoss, loại 4g, xuất xứ Indonesia; 600 chai nước uống collagen loại 50ml, nhãn bằng tiếng nước ngoài; 180 gói nước uống tinh chất nhau thai heo hiệu Excelity, nhãn bằng tiếng nước ngoài; 200 cái công tắc điều khiển không dây sản xuất tại Trung Quốc; 240 chai dầu lăn xoa bóp hiệu Hisamitsu, loại 85ml, nhãn bằng tiếng nước ngoài.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp của số hàng nói trên. Cục Quản lý thị trưởng Phú Yên tiến hành tạm giữ để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
7. Việt Nam thuộc top 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào Walmart toàn cầu
Đại diện Walmart cho biết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart toàn cầu. Hàng Việt Nam không chỉ đã thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ mà còn tại các thị trường lớn khác như Trung quốc, Canada, Mexico…
Trong thời gian tới, chiến lược của Tập đoàn là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa Khu vực châu Á.
Hiện Walmart đã thu mua từ Việt Nam hàng tỷ USD hàng hóa mỗi năm, tuy nhiên vẫn đang tập trung phần lớn vào các mặt hàng như dệt may, da giày, thực phẩm…
Trong thời gian tới, Walmart sẽ tập trung mở rộng hoạt động thu mua sang các nhóm mặt hàng gia dụng, thiết bị điện-điện tử, đồ chơi các loại…
8. Ngày 16/11 dự kiến xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 8/11, cả nước đã có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư. Trong đó, có 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 5 trong số 9 doanh nghiệp này và đã có công hàm về việc chấp thuận cho Công ty CP Dinh Dưỡng AVANEST Việt Nam được xuất khẩu hai loại sản phẩm là tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn sang thị trường này từ ngày 20/10/2023.
Đối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu. Dự kiến, lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc sẽ diễn ra tại Lạng Sơn ngày 16/11/2023.
Đây là kết quả của quá trình hướng dẫn của ngành chức năng sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với mặt hàng tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam, được ký giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vào ngày 9/11/2022.
Xem thêm: Tổng hợp tin tức thị trường xuất nhập khẩu từ ngày 03 – 09/11/2023
___________________
MISON TRANS – DỊCH VỤ HẢI QUAN – VẬN CHUYỂN QUỐC TẾ
- Head Office: 200 QL13 (Cũ), P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP.HCM
- Văn phòng HCM: 13 Đường số 7, KDC Cityland Center Hills, Phường 7, Quận Gò Vấp, TP.HCM
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9 Tòa Minori, Số 67A Phố Trương Định, Phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội
- Hotline: 1900 63 63 48
- Email: st1@misontrans.com